KHOA HỌC THỰC DƯỠNG

Posted on Tin tức 277 lượt xem

Thực dưỡng, theo ngữ nghĩa, là cách nuôi sống bằng ăn, uống. Mọi trường phái cổ- kim, Đông – Tây đều thống nhất: Ăn uống phải cung cấp đầy đủ nhiên liệu (năng lượng) và nguyên liệu cho sự hoạt động và tái tạo của cơ thể. Nhưng như thế nào là đủ, và ăn những gì cho đủ để nuôi dưỡng cơ thể tốt nhất, thì các quan điểm, trường phái lại không thống nhất, thậm chí trái ngược nhau. 

Bữa ăn thực dưỡng (Nguồn: Internet)

I, QUAN ĐIỂM CỦA KHOA HỌC PHƯƠNG TÂY

Nội dung chính

1. Thức ăn phải cung cấp đầy đủ calo

Trước kia người ta cho rằng calo là năng lượng duy nhất cần phải cung cấp cho hoạt động của cơ thể và đã ấn định mức năng lượng rất cao (từ 2.300 đến 3.000 calo/người/ngày).

Nhưng quan niệm này đã bị lung lay nghiêm trọng và đảo lộn từ khi M. Ali, người Pakistan, công bố kết quả nghiên cứu chế độ ăn uống của người Hunza, một nhóm dân cư có sức khỏe phi thường, hầu như không bị bệnh, mà khẩu phần ăn hàng ngày của họ chỉ có 1.923 calo.

Quan niệm dinh dưỡng chỉ dựa trên một chỉ tiêu calo đã trở nên lỗi thời, vì calo chỉ là một trong nhiều nhu cầu cần thiết của cơ thể; hơn nữa, năng lượng ấy chẳng phải chỉ duy nhất bằng con đường ăn uống, mà bằng nhiều con đường khác như: hấp thu qua da, qua hơi thở và đặc biệt qua luân xa… nên rất khó xác định chính xác được.

Những bằng chứng sau đây chứng minh điều này: Người làm việc ngoài trời nắng và người ở xứ nóng luôn ăn ít hơn so với người trong bóng mát và người ở xứ lạnh. Ai đã khai mở luân xa và luyện tập tốt sẽ ăn ít đi rõ rệt, nhưng sức khỏe lại sung mãn v.v…

Hơn nữa, ngày nay khoa học đã thấy sự dư thừa calo là nguyên nhân gây ra nhiều hậu quả tai hại, trước tiên là bệnh béo phì, từ đó đã mở đường cho nhiều bệnh nan y khác như tiểu đường, tim mạch, ung thư… xuất hiện, hoành hành.

Mặt khác, theo các nghiên cứu khoa học đã được công bố, các thức ăn từ hạt có khả năng cung cấp dồi dào calo cho cơ thể hơn các thức ăn động vật

Từ số liệu ở bảng trên đây, những người đề cao vai trò của thịt và calo chắc sẽ vô cùng ngạc nhiên, nhưng đó là sự thật không thể chối cãi. Cũng từ đó, chúng ta thấy chỉ nên ăn nhiều thức ăn có hàm lượng calo cao như lạc, vừng… vào mùa đông giá lạnh, mà không nên ăn nhiều vào mùa hè nóng bức.

2. Thức ăn phải đủ các thành phần dinh dưỡng

Theo quan niệm này, khoa dinh dưỡng học Tây phương cho rằng cơ thể có gì phải cung cấp đủ thành phần đó để bù lại cho sự hoạt động tiêu hao. Từ đó người ta đã phân tích và xác lập chỉ tiêu dinh dưỡng cụ thể cho từng loại khẩu phần ăn.

Mới nghe qua thì quan điểm này tỏ ra rất thực tế. Nhưng rất dễ thấy những bằng chứng hiển nhiên như sau: bò thịt có ăn thịt bao giờ đâu mà vẫn có những bắp thịt chắc nịch? Bò sữa đâu được uống sữa, nhưng vẫn sản sinh ra rất nhiều sữa? Con gà đẻ có khi nào được ăn trứng? Có ai bón đường cho cây mía; tưới bơ cho cây bơ; tưới dầu cho cây vừng, cây lạc đâu mà mía vẫn ngọt, bơ/vừng/lạc vẫn béo? Các bà mẹ Việt Nam ngày xưa có bao giờ uống sữa, thế mà hầu hết đều đủ, có khi thừa sữa cho con bú? Còn các bà mẹ thời hiện đại có thể uống sữa tùy thích, nhưng hầu hết lại thiếu sữa cho con.

Mãi đến giữa thế kỷ XX, do hạn chế của khoa Sinh hóa, các nhà khoa học phương Tây đã đi đến kết luận rất sai lầm rằng: 

  • Protein động vật là thượng hạng, protein thực vật là thứ cấp. 
  • Lipid là thành phần quan trọng không thể thiếu được trong khẩu phần ăn.
  • Hydrat carbon có chủ yếu trong bột, đường.
  • Đường đơn dễ hấp thu và tốt hơn hẳn đường phức và tinh bột.

Thế là các trang trại chăn nuôi, xí nghiệp, nhà máy thịt hộp, sữa hộp, bánh kẹo… đua nhau mọc lên để tung ra thị trường. Người ta đã lao vào ăn thịt, cá cho có nhiều protein, lipid… đua nhau ăn đường, bánh ngọt, sữa hộp, bơ, mỡ… đóng hộp để có đủ chất khiến hàng loạt, hàng loạt gia súc gia cầm vô tội phải nối theo nhau, chết gục để được “mai táng” chung trong “nấm mồ” không đáy là dạ dày của loài người.

Thực tế đã cho thấy, ngày càng nhiều người theo lý thuyết dinh dưỡng của phương Tây mắc các bệnh nan y như tim mạch, ung thư, gan, thận, dạ dày, đại tràng, béo phì, tiểu đường, thấp khớp, gút, thần kinh tọa, vô sinh…

Bệnh béo phì (Nguồn: Internet)

Tôi thường nghĩ và nói với nhiều người rằng nếu lý thuyết của khoa dinh dưỡng phương Tây đúng thì tôi cũng như nhiều người ăn chay, ăn gạo lứt muối vừng đã chết từ lâu rồi. Trái lại, chúng tôi ngày càng hết bệnh cũ, khỏe mạnh, minh mẫn, linh hoạt… hơn lên rất nhiều. Cũng như đời sống rất thấp của người dân ở các nước chậm tiến, nhưng họ rất khỏe mạnh, đã đủ để khẳng định lý thuyết của khoa dinh dưỡng Tây Âu là xuất phát từ ý nghĩ chủ quan, xuất phát từ lối tư duy cơ khí, thô thiển, coi con người như những cỗ máy, nên hoàn toàn không chính xác, nếu như không muốn nói là rất sai lầm.

Tây y nói chung, khoa dinh dưỡng học nói riêng đang đứng trước bế tắc nghiêm trọng, họ bắt đầu nhìn sang y học cổ truyền phương Đông để tìm lối thoát và ngày càng nhận thức sâu sắc rằng, cơ thể sinh vật vô cùng huyền diệu: một chiếc lá nhỏ bé, dưới ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời có thể tổng hợp hơi nước, thán khí trong tự nhiên thành tinh bột; các loài động vật chỉ cần ăn có, hạt… có thể tạo lên mọi thành phần như xương, thịt, máu, các enzyme, hormone… cho cơ thể mình. Đó là điều không có bất kỳ một phòng thí nghiệm tinh vi, hiện đại nào, một nhà máy khổng lồ, tối tân nào… có thể làm được. Cơ thể mọi sinh vật đều tự tổng hợp được các chất cho nhu cầu của mình, ngoại trừ khoáng và hầu hết các vitamin. Vì vậy, cung cấp khoáng và vitamin cho cơ thể là đơn giản, hiệu quả nhất và cũng là thông minh nhất. Đây là điều cho đến nay, phần lớn các bác sĩ Tây y đều chưa hiểu biết tới.

Thực tế này đòi hỏi y học và mọi người cần nhận thức rõ ràng, sâu sắc về học thuyết Dinh dưỡng chân chính, mới có thể xây dựng được cuộc sống quân bình, khỏe mạnh, vui tươi… cho chính mình và mọi người.

II, QUAN ĐIỂM CỦA CỔ ĐÔNG PHƯƠNG HỌC

1.Thứ nhất

Mọi sinh vật đều được nuôi dưỡng bằng năng lượng lấy từ vũ trụ, nguồn năng lượng đó tích lũy đầu tiên trong cây xanh (rau, quả, củ, hạt…). Ăn những thực phẩm đó, con người đã gián tiếp thu năng lượng từ mặt trời, là được nuôi dưỡng bằng loại thức ăn còn nguyên vẹn năng lượng cần cho sự sống (khả năng sinh trưởng, phát triển, nảy mầm…).

Thảo mộc đã hút các chất vô cơ để tổng hợp thành thức ăn hữu cơ, đó là một phép lạ về sự diễn tiến nhờ tác dụng tương hỗ của năng lượng thiên nhiên. Phép lạ ấy chưa một phòng thí nghiệm siêu hiện đại nào có thể bắt chước được

Từ đó cho thấy tất cả chúng ta đều là con của mẹ thảo mộc. Không có thảo mộc, không một động vật nào có thể tồn tại được trên trái đất này. Chúng ta hoàn toàn lệ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào các sản phẩm của thảo mộc.

Một số loại thảo mộc (Nguồn: Internet)

Thảo mộc là thức ăn thượng đẳng.

Đây là định lý sinh vật học, cũng là định luật thiên nhiên tối quan trọng thứ nhất, rất cần phải ghi nhớ.

Ăn huyết nhục là thực hiện hai lần diễn tiến ấy: lần đầu ở con vật ăn thực vật, lần thứ hai là con người ăn động vật.

2. Thứ hai

Chế độ ăn uống phải thích hợp với cấu tạo và sinh lý cơ thể. Đây là định lý sinh vật học, cũng là định luật tự nhiên tối quan trọng thứ hai, không thể xem nhẹ được.

Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra: Các động vật ăn thịt có khả năng hầu như không giới hạn để giải quyết chất béo bão hòa tạo cholesterol. Trái lại, các động vật ăn thảo mộc không thể có khả năng đó. Tiến hành thí nghiệm: cho những con thỏ mỗi ngày ăn 200g mỡ, chỉ sau hai tháng, mạch máu của chúng đều bị mỡ đóng kín lại và bệnh xơ vữa động mạch hoành hành.

Kết quả cho thấy cấu tạo cơ thể con người từ bên trong đến bên ngoài, từ cấu tạo đến sinh lý (nhất là bộ máy tiêu hóa) đều phù hợp với thức ăn thực vật chứ không phải là thức ăn huyết nhục.

Vì vậy, muốn có sức khỏe và hạnh phúc, trong lĩnh vực ăn uống, con người phải luôn ý thức tuân theo hai định luật tối quan trọng trên, tức là tuân theo trật tự của vũ trụ.

Từ so sánh trên, có hai điểm nổi bật rất cần chú ý: a) Dạ dày của động vật ăn thịt có độ axit rất cao; b) Ruột lại ngắn, để tiêu hóa nhanh và mau chóng đẩy cặn bã ra khỏi cơ thể nhằm chống hiện tượng lên men thối. Trong khi ở động vật ăn cỏ thì hoàn toàn ngược lại.

III, NHỮNG BẰNG CHỨNG THỰC TẾ

1. Những cộng đồng cư dân chỉ ăn thức ăn thực vật luôn luôn có sức khỏe rạng rỡ, tuổi thọ cao

Người Hunza (Pakistan), người Kogi (Columbia), bộ lạc Otomi (Mexico) và một số thổ dân ở châu Á, châu Phi luôn có rất ít, thậm chí hầu như không có ai bị bệnh, nhiều người sống trên 100 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Trên báo đăng có cụ ông 140 tuổi, cụ bà ngoài 80 tuổi vẫn lấy vợ/chồng và còn sinh con. (xem thêm Thế nào là Văn hóa sức khỏe của tác giả, tái bản lần thứ nhất, NXB Tri thức 2019, Chương 1, mục II – 1).

Những người ăn nhiều thực vật sống khỏe mạnh (Nguồn: Internet)

2. Các dân tộc chuyên ăn thịt hoặc ăn rất nhiều thịt

Họ luôn có tỷ lệ mắc bệnh rất cao về tim mạch, loãng xương, tiểu đường, suy thận, ung thư, đặc biệt ung thư đường tiêu hóa, tuổi thọ trung bình rất thấp. Điển hình là người Eskimo ở Bắc cực, do thức ăn chủ yếu là thịt, cá, mỡ nên già đi rất nhanh, mắc nhiều bệnh, tuổi thọ trung bình chỉ 27 tuổi rưỡi.

Người Kirgese sống du mục bằng nghề săn bắn ở miền Đông nước Nga, rất hiếm có người sống đến 40 tuổi.

Nhận xét: Phải chăng những cộng đồng cư dân ăn thực vật là sử dụng thức ăn phù hợp với cấu tạo, sinh lý của cơ thể. Còn những cộng đồng ăn quá nhiều thịt là sử dụng thức ăn không phù hợp với cấu tạo và sinh lý của cơ thể mình, chẳng khác nào họ đã dùng dầu hỏa làm nhiên liệu cho động cơ được chế ra để chạy bằng xăng.

Nước ta trước kia và trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, mức sống rất thấp, thì nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ rất ít người bị bệnh, bệnh nan y càng hiếm thấy. Ngày nay đời sống năng cao, ăn uống tốt hơn thì nhiều bệnh, nhất là các bệnh nan y ngày một nhiều.

“Ăn là đã lấy đi một phần nào đó của cây xanh huyền diệu để tạo ra mầm sống mới. Nếu con người vì ngu muội hay tự cao tự đại, vô tình hay hữu ý, ăn uống trái với trật tự thiên nhiên chi phối vũ trụ, thì chính điều đó được gọi là tội tổ tông trong Kinh Thánh vậy.” (Ohsawa)

“Tạo Hóa đã hào phóng trao cho mỗi người một cỗ máy tinh vi, phức tạp và hoàn thiện nhất hành tinh này để họ làm chủ. Ai luôn chăm lo bảo quản, sử dụng đúng nhiên liệu mà Tạo Hóa đã định khi sinh ra nó thì cỗ máy ấy sẽ hoạt động tốt, tuổi thọ cao. Ngược lại, không chịu chăm sóc bảo quản, không dùng đúng nhiên liệu, cỗ máy luôn hỏng hóc sẽ sớm bị đưa ra bãi tha ma phế thải. Thế là người ấy đã hủy hoại một công trình tuyệt vời của Tạo Hóa, tự hủy hoại chính mình… đó chẳng phải là một trọng tội hay sao.” (Ngô Đức Vượng)

One thought on “KHOA HỌC THỰC DƯỠNG

  1. Pingback: KHOA HỌC THỰC DƯỠNG- PHẦN 2 - Hệ Bạch Huyết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *